Tel: 450 442-3292

E-mail:

[email protected]



Tác Giả





Lê Phú Nhuận

Houston, TEXAS


 




Thêm một kỹ sư lỗi lạc
của ngành truyền thông VNCH
qua đời





LITTLE SAIGON - Ngành Truyền Thông Quốc Gia VNCH lại vừa mất thêm một chuyên viên kỹ thuật lỗi lạc, kỳ cựu và lão thành đã từng đóng góp rất nhiều cho việc xây dựng và phát triển Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia trong suốt 20 năm, mãi cho đến Tháng Tư 1975. Đó là ông Nguyễn Sửu Hồng Sơn, nguyên là Phó Trưởng Khối Kỹ Thuật của ngành Vô Tuyến Truyền Thanh. Ông đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 10:30 tối ngày 1 Tháng Mười năm 2006 tại Irvine, California, hưởng thọ 84 tuổi, để lại một vợ và 4 con, tất cả đều đã thành đạt. Hình chụp ông Nguyễn Sửu Hồng Sơn trước khi ông lâm bệnh nặng (Hình do gia đình cung cấp)

Ông Hồng Sơn là một trong những người đầu tiên phục vụ trong ngành Truyền Thanh kể từ thời gian chuyển tiếp, sau khi Pháp trao quyền lại cho chính phủ VNCH. Có thể nói, trong tổng số 13 vị giám đốc, Tổng Giám đốc của ngành Vô Tuyến Truyền Thanh Quốc Gia, sau hiệp định Genève (1955-1975) thì anh Hồng Sơn đã phục vụ, cộng tác với cả 13 vị ấy. Từ một quân nhân biệt phái ngành Tâm Lý Chiến, anh đã thăng tiến trong ngành kỹ thuật qua các khóa cánn sự tại trường Cao Đẳng Vô Tuyến Điện (1957), khóa tu nghiệp về Truyền Hình và Điện Tử tại Hoa Kỳ, và lớp kỹ sư Điện tại trường Cao Đẳng Điện Học tại Phú Thọ năm 1962, cộng thêm với hàng chục khóa tu nghiệp và hội nghị quốc tế tại nước ngoài.

Một thành tích đáng lưu ý của ông Nguyễn Sửu Hồng Sơn là việc hoàn thành tốt đẹp công tác thiết lập đài phát tuyến Quán Tre vào năm 1960, với công suất mạnh, và có hệ thống ăng-ten hướng làn sóng phát thanh ra tận miền Bắc Việt Nam. Tổng thống Ngô Đình Diệm đã đích thân đến thăm đài để khen ngợi và tưởng thưởng 10 ngàn đồng Việt Nam Cộng Hòa, một số tiền khá lớn thời ấy. Ông Nguyễn Sửu Hồng Sơn còn là một tay thảo kế hoạch, viết phúc trình rất rõ ràng và súc tích trong việc đệ trình các dự án thành lập Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia, để kế hoạch được chính phủ chấp thuận nhanh chóng và tiến hành tốt đẹp.

Là một người trầm lặng nhưng hăng say trong công việc, Nguyễn Sửu Hồng Sơn được đồng nghiệp và thượng cấp quý mến. Vị giám đốc Truyền Thanh sau cùng của nền Đệ Nhất Cộng Hòa là ông Phạm Xuân Ninh (tức nhà thơ Hà Thượng Nhân), nay đã gần chín mươi, rất quý mến anh Sơn và ông đã khóc khi nghe tin Hồng Sơn qua đời. Trong cơn xúc động ấy, ông Phạm Xuân Ninh đã đọc luôn cho chúng tôi nghe một bài thơ ứng khẩu, qua giọng nước mắt:

Khóc Nguyễn Sửu Hồng Sơn
Tám bốn tuổi, Sơn nay về cõi Phật
Lòng tôi buồn se thắt bạn tôi ơi
Nghệ và Thanh tuy hai tỉnh, hai nơi (*)
Dân Thanh, Nghệ vẫn nhớ tình lân lý
Ta gặp nhau tuy không là đồng chí
Bước lưu vong vẫn hằng nghĩ đồng tình
Mấy chục năm: Bao nỗi nhục, niềm vinh
Trên đất lạ ta chưa hề gặp lại
Đường xa đấy, nhưng mình không quản ngại
Nhớ những ngày gần gũi, cận kề nhau
Không nói ra nhưng chung một niềm đau.
Tôi thăm hỏi, được tin về các cháu:
Cháu gái út nay đang là cô giáo
Dạy Y khoa ở thành phố gần đây
Ba con trai, hai đứa ở trời Tây
Đều thành đạt nhờ công lao bố mẹ
Gánh nặng thế, ông bà coi vẫn nhẹ
Đến bây giờ tất cả đã thành công
Tin anh đi bè bạn xót xa lòng
Nhưng anh chị chẳng còn gì thắc mắc
Cháu nội, ngoại: Sáu (6) người tôi dám chắc
Sẽ thành danh nhờ phúc, đức ông bà
Ai đã gần mà chẳng phải chia xa
Còn với mất là vấn đề quy luật
Thôi Sơn nhé, nay anh về cõi Phật
Cuộc trăm năm cũng đã tám mươi dư
Gửi cho nhau giọt nước mắt giã từ
Anh tuy mất vẫn như còn mãi mãi
Tình quý nhất, ta lấy Tình làm lãi
Tình PHÁT THANH tuy chỉ bốn, năm năm
Mà lòng mình thơm ngát chữ Tri Âm! (Hà Thượng Nhân)

(*) Sơn là người Nghệ An - Hà Tĩnh. Tác giả bài thơ này ở Thanh Hóa. Hai tỉnh này giáp ranh nhau.

Thật não lòng khi nghe một ông già 88 khóc tiễn bạn già 84! Có phải nhà thơ Hà Thượng Nhân đang chia sẻ và đồng cảm với cảnh ngộ của những người trong lứa tuổi hoàng hôn, là những người đang:
Vui điền viên, thích kiểng vườn
Nhìn hoa lá rụng biết đường Tử Sinh! (Tuổi Cao Niên / Lê Hoàng Phú)

Điều đáng quý ở đây, theo nhà thơ lão thành Hà Thượng Nhân, là tình người, tình đồng nghiệp, tình lân lý, tình hàng xóm láng giềng. Tuy ông phải rời khỏi ngành Truyền Thanh ngay sau cuộc đảo chánh Tháng Mười Một 1963, vị chỉ huy này vẫn không quên những người đã cùng làm việc với mình, dù đã 43 năm trôi qua. Ông đã tiễn đưa người đồng nghiệp cũ bằng những dòng nước mắt, bằng những lời thơ chân thật xuất phát tận đáy lòng, ngay trong giây phút xúc cảm nhất.

Cùng với đàn anh Phạm Xuân Ninh, chúng tôi, những người thuộc thế hệ tiếp nối theo sau, xin tiễn đưa Nguyễn Sửu Hồng Sơn về nơi an nghỉ với lời cầu chúc tốt đẹp nhất cho cả gia đình tang quyến, nhất là bà Sơn. Với truyền thống khéo léo và đảm đang của một cô gái Hà Thành, bà đã tận tụy với chồng con và đã chuẩn bị chu đáo cho việc ra đi của anh, cũng như của chính mình trong tương lai, với một sự bình thản khi mà tuổi tác đã bước vào ngôi thứ của hàng thượng thọ.





(Trích Người Việt Online, ngày 08-10-2006)


Mục Lục | | Liên Lạc

 


Free Web Template Provided by A Free Web Template.com